Hàng loạt số điện thoại, địa chỉ nhà, email... của giám đốc, quản
lý cấp cao ngành ngân hàng, bảo hiểm, du lịch v.v... đã bị mang bán trên
mạng. Sở TTTT TP.HCM vừa tiến hành xử phạt hành chính một cá nhân rao
bán trái phép...
Các mức xử phạt hành chính
Sở
TTTT TP.HCM vừa tiến hành xử phạt hành chính Dương Hồng Lễ, chủ
website: www.danhsachkhachhang.com và www.duonghongle.com do có các hành
vi rao bán thông tin trái phép. Sau quá trình xem xét và điều tra, Sở
TTTT TP.HCM cho biết hành vi của đối tượng chưa đến mức nguy hiểm cao và
đối tượng đã nhanh chóng khai báo nên phạt hành chính ở mức 3,5 triệu
đồng. 2 đối tượng còn lại là Lê Minh Trung (chủ trang web
www.timkhachhang.com) và Hứa Văn Tuấn, chủ trang web www.datavip24h.com
đang trong quá trình kiểm tra và xem xét hồ sơ.
Trao
đổi với Tạp chí Thế Giới Vi Tính - PC World Vietnam, Ông Nguyễn Đức
Thọ, Phó Chánh thanh tra, Sở TTTT TP.HCM cho biết thêm về các mức xử
phạt như sau: Hành vi rao bán thông tin cá nhân có 2 hình thức xử phạt
hành chính. Thứ nhất, nếu như doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ
cho người sử dụng mà đem thông tin người sử dụng đó ra tiết lộ cho người
khác bất kể vì lý do gì hoặc sửa thông tin thì mức độ phạt từ 30 – 50
triệu đồng. Xử phạt này được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 39 Nghị
định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông.
Thứ
hai, đối với cá nhân, thu thập thông tin của người khác từ nhiều nguồn
thông tin khác nhau (từ bạn bè, từ danh sách kinh doanh buôn bán, danh
sách đăng ký mua xe v.v…) đem bán cho người khác thì mức xử phạt từ 2 – 5
triệu đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự theo mức độ
Tuy
nhiên, cả 2 hình thức xử phạt trên còn tùy thuộc vào hành vi và mức độ
vi phạm, có thể vừa xử phạt hành chính vừa truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong khoản 1, Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ
sung năm 2009) quy định về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin
mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” như sau: Người nào thực
hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ
chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm
trọng, thì bị phạt tiền từ 10 -100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ
đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu
phạm tội có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn
thông, mạng Internet; Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;
thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Trong
Điều 226a quy định tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng
viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác có tổ chức,
lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả nghiêm
trọng; Tái phạm nguy hiểm bị phạt tù từ 3 - 7 năm.
Tiết
lộ hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ
an ninh, quốc phòng; Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống
thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính,
ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; Thu lợi bất chính
rất lớn hoặc đặc biệt lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt
nghiêm trọng bị phạt tù từ 5 đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Điều
226b. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc
thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ
10 - 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Nghiêm
trọng hơn, đối tượng phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 -
500 triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng bị phạt tù từ 7 - 15 năm.
Còn nếu, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; Gây
hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc
chung thân.
Theo PCWorld